Bởi vì nhân viên lau dọn hợp đồng và nhà cung cấp dịch vụ vệ sinh đang trở thành đối tác của các nhà quản lý cơ sở vật chất, họ có khả năng gặp phải một số yêu cầu giải quyết vấn đề không thường gặp trong chăm sóc thảm, do đó cần được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề này. Chẳng hạn, ở một tòa nhà cho thuê văn phòng, khi một khách thuê chuyển đi, chủ tòa nhà đứng trước nguy cơ đối mặt với các vết lồi lõm xuất hiện trên thảm trải sàn tại những vị trí trước đây đã đặt đồ nội thất.
Liệu những vết này có như vậy mãi không? Nếu không thì làm sao xóa sạch chúng một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất? Cần có thái độ chủ động trong vấn đề bảo quản thảm để phòng tránh hoặc giảm thiểu các sự cố như trên.
Sau đây là bốn sự cố thường gặp trong sử dụng thảm trải sàn và cách khắc phục.
Các vết lồi lõm
(Các vết lồi xuất hiện trên bề mặt thảm sau khi đồ nội thất được chuyển đi.)
Những vết này xuất hiện là do sức ép của đồ nội thất đè lên mặt thảm. Quả thật, chúng không đẹp chút nào, nhất là khi bạn có ý định thuê căn phòng có đặt tấm thảm đó. Một trong những cách hiệu quả nhất để loại bỏ các vết này là làm sạch thật kỹ bằng máy hút bụi. Sau khi hút bụi nên áp dụng phương pháp vệ sinh bằng hơi nước nóng. Các phương pháp tạm thời (nhằm chuẩn bị cho các bước làm sạch sâu) như giặt thảm bonnet (sử dụng hóa chất làm sạch, đôi khi pha với nước có ga rồi phun sương lên bề mặt thảm sau đó được đánh đều bằng đệm xoay tròn với một lớp phủ hấp thụ chạy qua khu vực bẩn) hoặc dùng xà phòng chuyên dụng xem ra không hiệu quả khi khắc phục sự cố này. Sau khi làm sạch bằng hơi nước nóng, hãy sử dụng cào thảm. Các chuyên viên vệ sinh có thể bỏ quên thao tác này nhưng thực chất dưới tác động của các thanh cào, sợi thảm sẽ dựng đứng trở lại, từ đó làm mất các vết lồi lõm.
Khu vực thảm ở cửa ra vào bị tối màu
Bạn đã từng để ý thấy khu vực thảm ở ngay cửa ra vào thường sậm màu trong khi những chỗ khác vẫn sáng sủa không? Hiện tượng này cũng xuất hiện ở xung quanh khu vực đặt các lỗ thông ở dưới sàn. Nguyên nhân là ở những nơi này có luồng không khí mạnh, mang theo bụi, đất và chất bẩn khác. Những thứ này đọng lại và bám vào bề mặt thảm tại khu vực nêu trên, từ đó làm cho thảm ở các vùng này trở nên sẫm màu.
Cặn bẩn do máy lọc ra thường là đất khô. Cách tốt nhất để làm sạch chúng là hút bụi. Vì vậy, nếu đây là vấn đề xảy ra thường xuyên thì hãy lưu ý các nhân viên lau dọn dành nhiều thời gian hơn để hút bụi những khu vực này. Tuy nhiên, gia tăng tần suất hút bụi chỉ là giải pháp cầm chừng. Không sớm thì muộn, những vùng này cũng trở nên sậm lại. Viện nghiên cứu các loại Thảm và giới chuyên gia chăm sóc thảm đưa ra một số gợi ý sau để giải quyết vấn đề này:
- Áp dụng hóa chất chống bẩn cho các chỗ thảm này; phải đảm bảo là thảm được làm sạch thật kỹ trước khi áp dụng cách này
- Kiểm tra lưới lọc của hệ thống thông khí, thường thì khi sự cố thảm bị sẫm màu trở nên nghiêm trọng, các quản lý tòa nhà mới phát hiện ra rằng lưới lọc của hệ thống thông khí cần được làm sạch hoặc thay mới
- Chèn kín phần đáy cửa ra vào để đảm bảo không có luồng không khí thổi qua bề mặt thảm
- Bố trí thảm chùi chân trước cửa ra vào. Mục đích là để bụi đất tích tụ trên thảm chùi chân. Khi đó chỉ cần làm sạch hoặc thay thế những miếng thảm này
Thảm loang lổ
Hiện tượng sợi thảm loang lổ thường xảy ra ngay sau khi áp dụng phương pháp làm sạch bằng hơi nước nóng. Song nguyên nhân không phải lỗi của kỹ thuật viên hay lỗi phương pháp này.
Thực chất, kết cấu của sợi thảm đã thay đổi, khiến cho thảm phản chiếu ánh sáng khác đi. Khi thảm loang lổ (xảy ra sau khi thảm được vệ sinh) thì một số vùng sẫm màu hơn các vùng khác, tưởng chừng những vùng này chưa khô hoàn toàn.
Rủi thay, giải pháp để khắc phục sự cố này không nhiều. Khu vực bị sự cố có thể được làm sạch một lần nữa bằng phương pháp hơi nước, hoặc hút bụi thật kỹ, hoặc thậm chí dùng cào. Tuy nhiên hiện tượng thảm loang lổ chỉ có thể được hạn chế chứ không thể khắc phục triệt để.
Lối đi bẩn
Lối đi bẩn có lẽ là sự cố phổ biến nhất mà các quản lý cơ sở vật chất gặp phải. Vùng thảm trung tâm của một lối đi, chẳng hạn hành lang, thường bị sậm màu và bẩn trong khi các vùng xung quanh hầu như còn mới nguyên. Tệ hơn, khu vực thảm này dần dần có dấu hiệu mòn và rách nghiêm trọng, buộc phải thay mới chỉ sau một thời gian ngắn.
Bước đầu tiên để khắc phục sự cố này là gia tăng tần số hút bụi. Bụi bẩn trên lối đi chủ yếu là đất khô. Làm sạch chúng bằng cách hút bụi là tốt nhất. Phần lớn các chuyên gia và nhà phân phối dịch vụ vệ sinh đều hiểu rằng trên thực tế không cần vệ sinh thảm mỗi tối. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với những khu vực như lối đi. Thực tế, một trong những cách tôt nhất để khắc phục vấn đề này là hút bụi thường xuyên trong ngày và cứ sau mỗi vài giờ phải tiến hành hút bụi.
Các vết bẩn trên lối đi cần nhanh chóng được xử lý và làm sạch. Vì nếu không làm ngay, bụi đất có thể bám vào đế giày và phân tán đến các vùng khác, khiến cho toàn bộ tấm thảm bị đen và khó khắc phục hơn nhiều so với khi chỉ có một số đốm bẩn.
Một cách khác để bảo quản thảm là bố trí các miếng chùi chân tại khu vực bị sự cố. Những miếng chùi này không những giúp bảo vệ thảm trải sàn mà còn giúp tích tụ bụi đất và nước, do đó giúp ngăn ngừa vết bẩn lây lan sang các khu vực khác.
Nhiều người lau dọn sử dụng phương pháp làm sạch tạm thời như bonnet và giặt tẩy bằng xà phòng để khắc phục sự cố lối đi bị bám bẩn. Sử dụng hai phương pháp trên vừa có lợi vừa có hại. Bởi vì nếu không được làm sạch triệt để, một số hóa chất còn đọng lại trên thảm sẽ khiến nó trở nên dễ hút bụi bẩn hơn và làm hỏng bề mặt của thảm. Hầu hết các chuyên gia chăm sóc thảm không khuyến khích sử dụng hai phương pháp này, thậm chí chúng có thể làm mất giá trị của tấm thảm.
Trong vệ sinh thảm, phương pháp giặt bằng hơi nước nóng đặc biệt hữu hiệu, nhất là khi khắc phục sự cố lối đi bám bẩn vì cách này giúp tăng cường hiệu quả của hóa chất tẩy rửa, hơn nữa sức nóng của nước còn làm tan đất bẩn bám trên thảm. Cuối cùng phương pháp này khiến cho việc vệ sinh lối đi trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.